Đền thờ hoặc chùa là những nơi mà ta luôn cảm thấy muốn ghé thăm thường xuyên.
Có một ví dụ điển hình là người Nhật Bản thường hay viếng thăm các ngôi đền và chùa vào dịp năm mới, nhưng lí do sâu xa của thói quen này là gì? Phải chăng đó là do mỗi khi ta ghé thăm một ngôi đền hay một ngôi chùa, ta hy vọng tiếp nhận được năng lượng tích cực để bắt đầu một ngày mới bằng cách thư giãn và ổn định tâm trí và cũng như cầu nguyện cho một cuộc sống an yên?
Ở thành phố Fuefuki, ngôi chùa này có một sự cuốn hút không giống như bất cứ nơi nào khác.
/ / / / / / / / / / / / / / / / / /
Sư thầy Shuten Inoue
Ngôi chùa Daizoukyouji được khôi phục bởi ông Kando Shonin, một người con không chính thống của ngài Ashikaga Yoshimitsu - vị tướng quân (Shogun) đời thứ 3 tại Mạc phủ Muromachi Shogunate. Kể từ thời điểm đó tới nay, sư thầy Shuten Inoue là vị trụ trì đời thứ 37. Thầy là người con thứ 2 trong một gia đình ở chùa Daizenji thuộc thị trấn Katsunuma nhưng duyên số đã mang thầy đến với chùa Daizoukyouji với hành trình phục dựng lại ngôi chùa này trong suốt gần 20 năm qua. Sư thầy thân thương gọi ngôi chùa của mình bằng cái tên “Chùa Phật Họa” và tổ chức triễn lãm tranh vẽ Đức Phật của họa sĩ Teruo Nishiumi đến từ thành phố Fuefuki tại đây.
/ / / / / / / / / / / / / / / / / /
Nơi tràn đầy năng lượng tâm linh
Thông thường ở các ngôi chùa khác rất ít khi ta được chiêm ngưỡng khu rừng bạt ngàn hay hồ nước trong xanh giúp ta tập trung tâm trí và thư giãn tâm hồn, cũng rất hiếm có khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng tồn tại vững chãi qua năm tháng, và cũng khó mà được nghe kể những câu chuyện bí ẩn hay những giai thoại lịch sử thú vị.
“Chùa Daizoukyouji” tại thị trấn Isawa, thuộc thành phố Fuefuki là một trong số ít những ngôi chùa như vậy. Ngay khi bạn cúi đầu bước qua cổng chùa nghiêm trang, bạn sẽ được hòa mình vào không gian thiêng liêng này.
“Ngày xưa khi xây dựng những ngôi đền, chùa thì người ta thường chú tâm đến vấn đề tâm linh hơn so với thời nay thông qua việc lựa chọn những địa điểm nhất định để xây chùa. Những ngôi đền, chùa thường được xem là nơi ‘tràn đầy năng lượng tâm linh’ hay ‘năng lượng tâm linh mạnh mẽ’. Có lẽ đây chính là lý do mà các ngôi đền, chùa được mệnh danh là ‘địa điểm linh thiêng’.”
Chùa là nơi được các vị thần bảo hộ và được con người tôn thờ. Vậy nên dù nơi đây luôn thu hút người dân đến viếng thăm, nhưng mặc khác lại dễ dàng bị tấn công và phá hủy bởi những ngọn lửa bùng phát từ nỗi lo sợ của chính con người khi có bất kì mâu thuẫn nào xảy ra, tuy nhiên các ngôi chùa vẫn luôn hiện diện.
Trên thực tế, những nét uy nghiêm cổ kính và những câu chuyện lịch sử của các ngôi chùa lại càng thu hút nhiều người đến thăm và cầu nguyện cho tới tận ngày nay… Những ngôi chùa là như thế đó.
“Chùa và con người trong thời buổi hiện đại không còn nhiều sự gắn kết như trước đây nữa. Ví dụ như họ chỉ đến viếng thăm vào dịp lễ Tết hoặc cúng giỗ.
Thế nhưng, chùa luôn là nơi mà tất cả mọi người có thể gột rửa bụi trần và chấp niệm vấp phải từ cuộc sống trần tục này. Cũng giống như khi ta có được cảm giác tươi mới sau khi tắm rửa cơ thể, thì chùa là nơi ta có thể gột rửa tâm hồn.”
Thế hệ phục hồi
Trước cổng ngôi chùa Daizoukyouji là hai bức tượng Thần Rồng và Thần Sấm uy nghi tráng lệ và bên trong là những đường nét kiến trúc trên trần của gian nhà chính được xây dựng rất đẹp. Nhìn ra ngoài khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng, sư thầy Inoue nói với chúng tôi rằng, “Từng cái cây, từng hòn đá ở đây đều là quà tặng từ các nhà hảo tâm.”
Thầy Inoue là con trai thứ 2 sinh ra trong một gia đình ở chùa Daizenji thuộc thị trấn Katsunuma, nơi được mệnh danh là ngôi chùa của những cây nho, nhưng sư thầy đến với chùa Daizoukyouji do định mệnh an bài và trở thành thầy trụ trì từ 20 năm về trước cho tới tận bây giờ. Thầy Inoue chia sẻ rằng vào thời điểm thầy tiếp nhận vị trí này, tình trạng của ngôi chùa khi đó hoàn toàn khác so với hiện nay.
“20 năm trước ngôi chùa bị xuống cấp trầm trọng. Bụi bám đầy mọi ngóc ngách, không gian thì tăm tối, đó là lí do mà ngôi chùa bị bỏ hoang. Khi được mời về đây, tôi đã suy nghĩ rất kĩ về vai trò của mình ở ngôi chùa này và những gì tôi có thể làm để thổi hồn sự sống lại cho nó.Tôi vẫn luôn thích công việc sửa chữa hay khôi phục một thứ gì đó. Nên việc tôi có sự gắn kết với ngôi chùa này chính là duyên số, tôi cảm thấy mình được triệu hồi tới đây để thực thi nhiệm vụ phục dựng lại ngôi chùa khi mà địa danh với 1300 năm lịch sử này gần như bị vùi lấp bởi dòng thời gian. Vị trí trụ trì không phải ta muốn là có được, nó là do định mệnh mang đến cho ta.”
Sư thầy Inoue kể với chúng tôi rằng việc khôi phục lại ngôi chùa đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thầy tiếp tục kể với nụ cười trên môi, “Tôi rất may mắn khi gặp được nhiều Phật tử tốt bụng.”
“Tôi tin rằng ngôi chùa này có “một thứ gì đó rất đặc biệt” khơi gợi đức tin của lãnh chúa Takeda Shingen và nhận được sự bảo hộ của tướng quân Tokugawa Ieyasu, điều đặc biệt đó vẫn luôn tồn tại ở đây qua bao nhiêu thế hệ. Khi tôi thực hiện công tác phục dựng từng chút một, lòng tin cũng theo đó mà lớn dần.
Vì ngôi chùa này là nơi con người thanh rửa cơ thể và tâm hồn, các gian nhà đều cần được giữ gìn sạch sẽ. Tôi vẫn muốn tiếp tục công việc sửa chữa và khôi phục các khu vực bị hư hỏng để ngôi chùa luôn được ở trong tình trạng sạch đẹp nhất có thể nhằm truyền lại cho thế hệ mai sau.”
Chùa và Hội họa
Không khí trong lành, không gian cổ kính yên tĩnh và khu vườn Nhật Bản tươi đẹp… đều là những ký ức đẹp đẽ được khắc sâu trong tâm trí từng vị khách đến viếng thăm chùa Daizoukyouji. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả.
Khi được tận mắt chiêm ngưỡng những bức họa chân dung Đức Phật được trưng bày tại chùa, bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những tác phẩm mỹ thuật đó. Những tranh vẽ này được bố trí như theo thứ tự của một câu truyện làm cho không gian này trở nên giống như một phòng tranh nghệ thuật. Trên trần nhà của sảnh chính, có một bức tranh họa rồng hết sức ấn tượng với nhiều góc nhìn độc đáo khác nhau tùy vào vị trí bạn đang đứng nhìn lên từ bên dưới.
“Hầu hết những bức tranh này được vẽ bởi họa sĩ Nishiumi, cũng là một người dân địa phương. Tôi quen biết anh ấy từ 11 năm trước. Một người quen đã tặng tôi ba bức tranh của anh và mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Tôi đã kể với anh ấy rằng tôi treo những bức tranh đó ở trong chùa và có lẽ việc đấy làm anh ta thấy rất cảm kích. Vào thời điểm đó, bác sĩ của anh Nishiumi đã cho anh ấy biết về việc anh không còn sống được lâu nữa nên anh ta đã nhờ tôi giữ hộ tranh của mình vì không muốn chúng bị phân tán đi khắp nơi.
Tôi tin rằng anh họa sĩ ấy hoàn thành việc ghi dấu tên tuổi và tài năng của mình. Những gì ngôi chùa đang trưng bày chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng sáng tác của anh ấy.
Bạn có thể dễ dàng thấy được sự gắn kết của các bức tranh tại đây với ngôi chùa, như một vị khách am hiểu mỹ thuật đến từ Tây Âu vì cảm thấy ấn tượng mà bình luận rằng “Các tác phẩm hội họa được hòa quyện với tuyệt tác ngôi chùa”.
Sư thầy Inoue có niềm đam mê truyền bá nét đẹp của ngôi chùa này đến với những con người hiện đại và lưu truyền lại di tích lịch sử cho những thế hệ tương lai vì ông tin rằng nơi đây chứa đựng nhiều điều tốt đẹp. Tâm huyết của thầy hiện diện ở khắp mọi nơi trong ngôi chùa này.
“Nơi đây không có bất cứ điều gì làm phật lòng tôi. Do rằng tôi luôn được làm hết khả năng của mình để cống hiến cho ngôi chùa.”
Chùa Daizoukyouji vẫn đang tiếp tục phát triển. Các Phật tử cũng hỗ trợ bằng cách giới thiệu chùa cho những người xung quanh cùng nhiều việc làm khác nữa để giúp cho mọi người có thể hiểu hơn về nơi này.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau những tháng ngày bận rộn, hãy tới thăm chùa Daizoukyouji để được thưởng tranh, ngắm cảnh, hay đơn giản chỉ là dành chút thời gian chiêm nghiệm lại bản thân…
Chúng ta muốn nhắc nhở mình rằng luôn có “một nơi để ta thanh rửa tâm hồn”.
Nếu đã tới đây, bạn nên dừng chân một lúc.
Bởi vì việc xây dựng sự gắn kết giữa chúng ta với những ngôi chùa thật sự là một điều tốt đẹp.
Cộng tác viên: Vân Anh
Bài viết và hình ảnh thuộc bản quyền Hiệp hội Du lịch Fuefuki và Acro Plus
--
Hết.
Comments